Làm gì để đối phó với bệnh ho về đêm ở trẻ

Đăng lúc 08:15 03-09-2015

Tháng 9-10 dương lịch là khoảng thời gian chuyển mùa từ hè sang thu ở miền Bắc. Những cơn mưa rào còn rơi rớt của mùa hạ kèm theo không khí se lạnh về đêm là nguyên nhân khiến trẻ ho nhiều về đêm mà nhiều cha mẹ cho rằng con mình bị “bệnh ho về đêm”. Hãy tìm hiểu nguyên nhân “căn bệnh” này qua bài viết dưới đây:

Bé không ho ban ngày nhưng đêm ngủ lại ho nhiều, quấy khóc, mặt đỏ, cong người lên vì ho, các cơ ở bụng co lại, cơ hoành đẩy lên. Nguyên nhân là do ban ngày trẻ ở tư thế vận động nên các chất nhầy, đờm thoát ra dễ dàng. Đêm đến, các chất này ứ đọng ở cổ gây kích thích ho. Đờm, nhớt khiến bé nghẹt thở, khó chịu nên thường quấy khóc. Trẻ ho về đêm cũng có thể do bị cảm lạnh, viêm mũi xoang. Đờm và chất nhầy chảy xuống cổ họng kích thích và gây ho khi ngủ.

Bé bị ho về đêm ( Nguồn: Sưu tầm)

Một số trẻ bị hen cũng thường ho về đêm do đường thở có khuynh hướng tăng nhạy cảm, dễ bị kích ứng về đêm. Những cơn ho kéo dài và dày đặc khiến trẻ mệt mỏi, ho nhiều khiến trẻ nôn trớ.

Nếu trẻ đột ngột ho sặc sụa, không bị sốt nhưng khó thở, mặt tím tái có thể trẻ đã bị mắc dị vật vào đường hô hấp, cần tìm hiểu nguyên nhân và hỏi bác sĩ cách xử trí nhanh nhất.

Với các bé thường bị bệnh ho về đêm hoặc ho lúc ngủ trưa, sặc từng cơn dẫn đến nôn trớ thì đây là triệu chứng do trào ngược dạ dày-thực quản. Nguyên nhân là do van dạ dày của bé không tốt, khiến thức ăn và dịch tiết trào ngược lên đường hô hấp, gây sặc hay viêm nhiễm đường hô hấp. Ho thường xảy ra với các bé ăn, uống ngay sát giờ ngủ, thức ăn không kịp tiêu hóa hết cùng với lượng dịch dạ dày tiết ra nhiều hơn trong giấc ngủ khiến dạ dày bị ứ, trướng. Sau 1 thời gian dài ăn, uống lúc đêm liên tục, các cơ dạ dày của bé sẽ bị suy yếu, không khép kín được van phía trên dạ dày, các chất dịch ứ trong dạ dày trào ngược lên thực quản, rỉ ra họng, tràn vào thanh quản gây ho sặc từng cơn.

 

* Chăm sóc trẻ bị bệnh ho về đêm


Khi trẻ thường xuyên bị ho về đêm, cha mẹ nên áp dụng một số bài thuốc dân gian sau: hấp mật ong với quất hoặc mật ong với lá húng chanh hay lá hẹ rồi chắt lấy nước cho trẻ uống ấm, 3-4 lần mỗi ngày; thường xuyên vệ sinh mũi họng cho bé bằng nước muối sinh lý.

Hạn chế cho bé ăn, uống sát giờ đi ngủ, nên ăn trước giờ ngủ ít nhất 1 giờ và hạn chế các thức ăn kích thích ho nhiều như tôm, cua, lạc rang…Trước khi đi ngủ, nên cho bé uống 1 thìa mật ong ấm để làm dịu ho và ngủ ngon hơn. Lưu ý, với những bé dưới 1 tuổi không dùng mật ong.

Khi bé ngủ hãy kê gối sao cho đầu và vai cao hơn thân bé để ngăn đờm, mũi ứ đọng ở cổ họng. Cần giữ ấm cho bé, không để hở bụng, hở tay khiến bé dễ bị nhiễm lạnh, gây ho nhiều.

Giữ cho phòng ngủ của bé sạch, thoáng khí, tránh khói thuốc, tránh ẩm mốc…

Tóm lại, ho về đêm là một triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng lại do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Vì vậy, nếu bé nhà bạn bị ho nhiều về đêm mà sử dụng các bài thuốc dân gian 2 ngày không đỡ, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán nhé!

Ngô Hoài (biên tập)

Chia sẻ và bình luận
PGS.TS Thầy thuốc Nhân dân ĐINH NGỌC SỸ- Nguyên GĐ BV Phổi TW
PGS.TS, thầy thuốc nhân dân
Đinh Ngọc Sỹ
Chủ tịch hội Lao và bệnh Phổi Việt Nam