Suy hô hấp ở trẻ em – Mẹ đừng chủ quan

Đăng lúc 09:44 02-12-2015

Suy hô hấp là tình trạng phổi không hấp thụ đủ lượng ôxy cần thiết cho cơ thể. Suy hô hấp cấp thường gặp ở trẻ em, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Suy hô hấp mãn thường có nguyên nhân do các bệnh về phổi dẫn tới suy nhiều nhánh phế quản, giãn phế quản, phế nang rồi dẫn đến suy hô hấp.

Theo thống kê cho thấy cứ 3 trẻ sinh trước 34 tuần thai sẽ có 1 trẻ bị suy hô hấp, tỷ lệ này ở nhóm trẻ sinh trước 28 tuần thai là hơn 80%.

Sau khi lọt lòng mẹ, các cơ quan nội tạng của trẻ bắt đầu hoạt động và phối hợp với nhau rất nhịp nhàng để duy trì chức năng hô hấp. Nếu khả năng thích ứng đó bị rối loạn thì ở trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng suy hô hấp. Đây là triệu chứng của nhiều bệnh lý không chỉ ở hệ hô hấp mà còn có thể ở tim mạch, màng não, hoặc chỉ đơn thuần là do trẻ bị lạnh, đói, mệt lả...

Theo dõi trẻ, nếu thấy một trong những triệu chứng sau thì rất có thể trẻ đang trong tình trạng suy hô hấp:

  • Rối loạn nhịp thở: Trẻ thở nông, nhanh, thở không đều, nhịp thở trên 60 lần/phút.
  • Màu sắc da: Da trẻ có màu tím hoặc tái nhợt. Tím tái toàn thân hoặc tím quanh môi và tứ chi, dễ theo dõi nhất là ở vùng da đầu ngón tay, đầu ngón chân.
  • Trẻ khó thở, co kéo lồng ngực và các cơ liên sườn, lõm xương ức. Di động của ngực và bụng không nhịp nhàng theo nhịp thở, trẻ thở gấp gáp.
  • Cánh mũi phập phồng, có tiếng rên rít, nhất là ở thì thở ra.

 

Thường xuyên quan sát để phát hiện các dấu hiệu suy hô hấp ở trẻ

Suy hô hấp ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong. Trong thực tế, có những trường hợp suy hô hấp không thể điều trị khỏi bằng các biện pháp nội khoa mà phải giải quyết bằng phẫu thuật hoặc bằng các thủ thuật cấp cứu, chẳng hạn như tắc thực quản - rò khí thực quản, thoát vị cơ hoành, tràn khí màng phổi.

Trong lúc chuẩn bị đưa trẻ đến bệnh viện, cần nhanh chóng sử dụng các biện pháp giúp thông thoáng đường thở cho trẻ, đặc biệt là đối với trẻ suy hô hấp do sặc sữa hoặc sặc đờm, dãi:

  • Dùng ngón tay trỏ quấn khăn sô/ khăn sữa lau sạch miệng và họng trẻ. Nhanh chóng dùng miệng hoặc dụng cụ hút mũi cho trẻ. Thao tác nhanh và nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương niêm mạc miệng, mũi trẻ.
  • Nới rộng tã, áo để trẻ dễ thở.
  • Giữ ấm cho trẻ bằng chăn, túi nước ấm, chú ý nhiệt độ túi chườm, đề phòng trẻ bị bỏng.
  • Bế trẻ ở tư thế đầu hơi cao cho trẻ dễ thở.

 

Trẻ bị suy hô hấp nên bế ở tư thế đầu hơi cao sẽ giúp trẻ dễ thở

Để phòng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, ngoài việc phát hiện sớm các bệnh lý thì yếu tố chăm sóc, nuôi dưỡng cũng rất quan trọng. Không được để trẻ bị lạnh, hạn chế cho trẻ nhỏ ra ngoài, nhất là vào mùa đông. Đảm bảo cho trẻ bú mẹ tốt, cho trẻ bú theo nhu cầu nhưng nếu trẻ ngủ lâu quá 3 giờ không dậy thì phải đánh thức trẻ dậy cho bú, tránh trường hợp để trẻ ngủ li bì. Như vậy trẻ sẽ bị đói, bị hạ đường huyết, hạ thân nhiệt và có thể dẫn đến suy hô hấp.

Chia sẻ và bình luận
PGS.TS Thầy thuốc Nhân dân ĐINH NGỌC SỸ- Nguyên GĐ BV Phổi TW
PGS.TS, thầy thuốc nhân dân
Đinh Ngọc Sỹ
Chủ tịch hội Lao và bệnh Phổi Việt Nam