Phòng bệnh hô hấp trẻ em khi giao mùa

Đăng lúc 08:24 19-11-2015

Thời tiết chuyển từ thu sang đông, nền nhiệt độ thay đổi thất thường, cộng thêm với cái nắng hanh khô ban ngày, se lạnh buổi tối và sương mù sáng sớm. Đây là thời điểm thuận lợi làm tăng các bệnh ở trẻ, nhất là ở những bé có hệ miễn dịch yếu. Để phòng bệnh hô hấp trẻ em, cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ, chú ý dinh dưỡng để trẻ có sức đề kháng tốt nhất.

Nhiều mầm bệnh (vi rút, vi khuẩn) dễ dàng xâm nhập vào đường hô hấp khi trẻ hít thở. Ở trẻ, do cấu trúc đường thở ngắn và hẹp nên mầm bệnh dễ lây lan hơn. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ, bệnh đường hô hấp thường xuyên tấn công do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Chính vì vậy, trẻ không đủ sức chống đỡ với sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ môi trường bên ngoài.

 

Mang khẩu trang khi ra ngoài cũng là 1 cách phòng bệnh hô hấp trẻ em hiệu quả

Các bệnh hô hấp trẻ em thường gặp khi giao mùa như:


Viêm họng cấp tính

Thường xảy ra vào mùa đông, gặp cả ở người lớn và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm họng cấp tính là đau họng khi nuốt, sốt, khàn tiếng, ho, có thể kèm theo sổ mũi. Nguyên nhân gây bệnh thường thấy do loại vi khuẩn liên cầu tan máu beta nhóm A, có nhiều trường hợp do vi rút. Nếu không được chữa trị hiệu quả, có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm khớp, biến chứng tại tim.

Viêm VA

Thường xảy ra với trẻ ở độ tuooit từ 6-7 tháng tuổi đến 4 tuổi nhưng cũng có khi gặp ở những trẻ lớn hơn.

Biểu hiện: Trẻ bị sốt trên 38oC, ngạt mũi, chảy nước mũi, lúc đầu chảy mũi trong, loãng, sau đó thường chảy mũi nhầy, mủ hoặc nước mũi xanh, trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc, sốt cao, li bì...

Bệnh thường kèm theo ho, nếu có biến chứng viêm phế quản, ho sẽ trở nên trầm trọng hơn nhiều.

Viêm Amidan

- Triệu chứng đầu tiên là: trẻ cảm thấy khó nuốt, đau họng, cơn đau đôi khi kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Trẻ có thể lạc giọng hoặc mất hẳn giọng nói, mệt mỏi và có thể sốt cao hơn 38oC.

- Bên cạnh đó, trẻ thấy miệng khô, đắng, không muốn ăn, thấy hiện tượng lưỡi trắng, niêm mạc họng đỏ và góc hàm của trẻ có thể nổi hạch.

- Trường hợp mạn tính, trẻ sẽ ngáy khi ngủ hoặc tiếng thở phì phò và chủ yếu thở bằng miệng. Khi nói chuyện, trẻ sẽ phát âm giọng mũi hoặc khó khăn khi phát âm. Tình trạng viêm amidan mạn tính nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ và sẽ ảnh hưởng đến chức năng tai của trẻ.

Viêm khí phế quản, biến chứng viêm phổi:

Khí quản là ống dẫn khí lớn nhất trong hệ hô hấp. Viêm khí phế quản có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, nguyên nhân thường do thay đổi thời tiết hoặc khi trẻ bị viêm họng, viêm mũi do không chữa trị kịp thời, hiệu quả... Nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ, nhưng nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị đúng, trẻ dễ bị nhiễm trùng lan rộng và sâu hơn vào phế quản phổi, phế nang và nhu mô phổi rất nguy hiểm với các triệu chứng sốt cao, ho khạc, ho đờm đặc, có màu xanh hoặc vàng, trẻ nằm một chỗ, li bì.

Cúm:

Cúm là căn bệnh hô hấp trẻ em thường gặp do sức đề kháng chưa hoàn thiện khiến vi rút cúm dễ dàng gây bệnh. Khi có đủ 3 yếu tố tham gia là mầm bệnh, số lượng mầm bệnh và sức đề kháng của cơ thể, bệnh sẽ bộc phát. Trong cúm, mầm bệnh là các vi rút cúm lây trực tiếp do tiếp xúc hàng ngày, do sinh sôi, nảy nở nhanh nên vi rút sẽ tấn công cơ thể ồ ạt, nhất là với những trẻ có hệ miễn dịch yếu.

Triệu chứng thường thấy như sốt nhẹ, ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, nghẹt mũi, chán ăn, đặc biệt là hắt hơi nhiều và chảy nước mũi trong. Tùy theo sức đề kháng của cơ thể mà thời gian bệnh kéo dài hay ngắn, giảm nhẹ hoặc nghiêm trọng hơn. Thậm chí, một số bệnh cúm diễn tiến nhanh và ồ ạt có thể khiến trẻ tử vong.

Vì vậy, cha mẹ không nên xem nhẹ những bệnh này và luôn quan tâm tới sức khỏe của trẻ, phải cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa khi có triệu chứng như sốt cao, trẻ li bì, ho nặng tiếng.

Để phòng bệnh hô hấp trẻ em, cha mẹ cần:


- Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, chú ý các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

- Hạn chế cho trẻ ra ngoài vào buổi tối hoặc sáng sớm.

- Không nên cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người ngột ngạt.

- Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bếp than…

- Mang khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài.

- Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh như: Kem, đá…

- Tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối của các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả.

- Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho trẻ. Đây là những dưỡng chất quan trọng vừa giúp trẻ phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như tăng cường hệ miễn dịch góp phần phòng bệnh hô hấp trẻ em

- Tiêm phòng vắc xin để phòng chống các loại bệnh cho trẻ.

- Sử dụng các thảo dược hoặc các sản phẩm chiết xuất từ thảo dược như Cỏ Xạ Hương, Húng chanh…

Một điều các bậc phụ huynh cần lưu ý đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi này khi mắc bệnh thì diễn biến thường nặng và khó lường... Do đó, nếu những bệnh lý này không được phát hiện, điều trị, xử trí sớm và đúng, sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như: Suy hô hấp cấp, viêm phổi, viêm tai, viêm màng não, áp xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong.

Chia sẻ và bình luận
PGS.TS Thầy thuốc Nhân dân ĐINH NGỌC SỸ- Nguyên GĐ BV Phổi TW
PGS.TS, thầy thuốc nhân dân
Đinh Ngọc Sỹ
Chủ tịch hội Lao và bệnh Phổi Việt Nam