Bệnh viêm phế quản phổi – không thể chủ quan

Đăng lúc 02:22 09-09-2015

Viêm phế quản phổi là một bệnh hô hấp nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ thường nhầm lẫn các triệu chứng của viêm phế quản phổi với các bệnh hô hấp khác như ho, viêm họng… nên chưa biết chăm sóc bé đúng cách và xử lý kịp thời.

Triệu chứng viêm phế quản phổi là gì?

 

Trẻ bị viêm phế quản phổi thường trải qua 2 giai đoạn: giai đoạn khởi phát và giai đoạn toàn phát.

Giai đoạn khởi phát: giai đoạn này có hai dạng triệu chứng chính

Khởi phát từ từ: các triệu chứng bệnh thường không rõ rệt nên khó phát hiện và dễ bị nhầm với các bệnh viêm đường hô hấp khác. Trẻ ở giai đoạn này thường có các biểu hiện như: sốt nhẹ, ho khan, hắt hơi, ngạt mũi và quấy khóc.

Khởi phát đột ngột: ở giai đoạn này, các triệu chứng trở nên rõ nét hơn. Cha mẹ thường đưa trẻ đi khám do có các biểu hiện: sốt cao, khó thở, tím tái. Bên cạnh đó, trẻ có thể có 1 số biểu hiện rối loạn tiêu hóa như chán ăn, nôn trớ, tiêu chảy….

Giai đoạn toàn phát: Trẻ sốt rất cao, có thể lên tới 40°C, ít đáp ứng với thuốc hạ sốt, có thể li bì, co giật thậm chí hôn mê nếu không hạ sốt kịp thời.

Bên cạnh đó, trẻ sẽ ho dữ dội và liên tiếp, ho co thắt, có thể xuất tiết đờm, chảy mũi đặc và vàng. Ngoài ra, trẻ khó thở, tím tái, rối loạn tiêu hóa (bỏ ăn, chán ăn, chướng bụng, nôn chớ, tiêu chảy…).

 

Viêm phế quản-phổi ở trẻ, không thể chủ quan!


Nguyên nhân gây viêm phế quản phổi ở trẻ

 

Bệnh thường gặp ở trẻ sinh non, sống trong điều kiện dinh dưỡng hạn chế dẫn tới suy dinh dưỡng.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm phế quản phổi, trong đó phải kể tới: virus (virus hợp bào cúm, virus sởi, Adenovirus,..), vi khuẩn (phế cầu, Haemophilus influenzae, liên cầu, E.coli,..), nấm (thường gặp là nấm Candida albicans, Aspergillus,..), ký sinh trùng…. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn có sẵn trong đường hô hấp (ở mũi và họng) lan tràn theo đường phế quản, gây tổn thương nhu mô phổi.

Khi trẻ bị viêm phế quản, do hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, các cơ quan trong cơ thể chưa hoàn thiện, cây phế quản hẹp và ngắn nên khi bị viêm rất dễ bị tắc do niêm mạc phế quản bị phù nề và đờm dãi.

 

Điều trị viêm phế quản phổi như thế nào?

 

Nếu bệnh nhẹ, không có biến chứng cũng như không có nguy bị gặp biến chứng thì cha mẹ hoàn toàn có thể chăm sóc trẻ ở nhà. Cho trẻ bú và ăn uống đầy đủ, đặc biệt là cần bổ sung đầy đủ nước. Có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi, giúp trẻ thở dễ hơn và bú tốt hơn. Nếu phải dùng thuốc thì cần dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ. Giữ môi trường trong lành, đặc biệt cần cho trẻ tránh xa khói thuốc lá.

Nếu bé có các biểu hiện như: khó thở, bú kém, tím tái, có biến chứng suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi…. thì cần cho trẻ nhập viện sớm.


Phòng bệnh viêm phế quản phổi cho trẻ

 

Để phòng bệnh cho trẻ, bố mẹ cần lưu ý:

- Thai phụ khi mang bầu cần lưu ý tới sức khỏe, dinh dưỡng để đảm bảo trẻ không bị sinh non.

- Chăm sóc trẻ trong môi trường sạch sẽ, thoáng khí.

- Cho trẻ bú mẹ đầy đủ.

- Cho trẻ tiêm phòng đúng lịch.

- Đảm bảo cho trẻ ăn dặm đúng độ tuổi, hợp lý, tránh để trẻ bị suy dinh dưỡng.

- Hạn chế cho trẻ ra ngoài trong mùa dịch.

Phi Sơn (biên tập)

Chia sẻ và bình luận
PGS.TS Thầy thuốc Nhân dân ĐINH NGỌC SỸ- Nguyên GĐ BV Phổi TW
PGS.TS, thầy thuốc nhân dân
Đinh Ngọc Sỹ
Chủ tịch hội Lao và bệnh Phổi Việt Nam